Tối ưu hóa Phối hợp và Xử lý Xung đột trong Quản lý Dự án BIM (P2)
Theo đó, ngày 17/3/2023 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng. Bắt đầu từ năm 2023 áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Nhận thấy khối lượng công trình lớn sẽ áp dụng BIM đặc biệt là các công trình dân dụng, Viện kinh tế xây dựng đã tổ chức biên soạn và được Bộ xây dựng công bố hướng dần chỉ tiết áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) đối với công trình dân dụng và hạ tăng kỷ thuật đô thị. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết hướng dẫn áp dụng mô hình BIM trong công trình dân dụng đặc biệt trong quá trình phát hiện và xử lý xung đột.
Dự án xây dựng Vinhomes Smart City Tây Mỗ – Đại Mỗ là một trong những dự án áp dụng BIM cho công trình dân dụng tiêu biểu ở Việt Nam. Trong dự án này, chủ đầu tư áp dụng nhiều ứng dụng BIM trong quá trình xây dựng nhằm tối ưu hóa việc thiết kế, thi công và quản lý công trình, đồng thời áp dụng quản lý cơ sở vật chất trong quy trình cập nhật và tiếp nhận dữ liệu quản lý vận hành, mà tài sản mã QR, tài liệu BIM 360 (CDE) cho các giải pháp quản lý thông tin và dữ liệu tập trung (lưu trữ trực tuyến).
CÁC HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG BIM CHO CÔNG TRÌNH DÂN DỤNG TRONG PHỐI HỢP VÀ XỬ LÝ XUNG ĐỘT
Xử lý xung đột
Quy trình xử lý xung đột
Sơ đồ tổng thể quá trình xử lý xung đột
Trước khi thực hiện kiểm tra xung đột, các cá nhân/ đơn vị phải đảm bảo mô hình của mình đạt các yêu cầu/ quy định của dự án và ở phiên bản phù hợp cho việc phối hợp đa bộ môn. Sau khi mô hình được gửi đến Quản lý BIM, Quản lý BIM cần kiểm tra lại thông tin như sau:
-
- Kiểm tra sơ bộ mô hình (toạ độ gốc, các lỗi trong mô hình, tiêu chuẩn của dự án…);
- Kiểm tra các lỗi/ va chạm trong lần kiểm tra trước đã được sửa trong mô hình chưa?;
- So sánh mô hình với các bản vẽ để đảm bảo các bản vẽ xuất ra tương ứng với mô hình;
- Các nội dung khác theo yêu cầu.
Sau khi đã kiểm tra thông tin được đưa vào, Quản lý BIM cần ghi lại báo cáo các kiểm tra này. Trong trường hợp cần thiết, Quản lý BIM có thể gửi lại các báo cáo này cho các cá nhân/ đơn vị phụ trách để cập nhật lại mô hình trước khi đưa vào phối hợp. Sau khi các mô hình thành phần đạt chất lượng, Quản lý BIM sẽ tiến hành phối hợp đa bộ môn theo các thiết lập phù hợp với từng giai đoạn, từng loại cấu kiện. Với một số xung đột có thể xử lý trực tiếp sau này trong quá trình thi công, Quản lý BIM có thể bỏ qua mà không thực hiện báo cáo. Dưới đây (Hình 5) là quy trình kiểm tra và xử lý xung đột.
Quy trình phối hợp xử lý xung đột
Báo cáo va chạm trong quá trình kiểm tra xung đột bằng phần mềm Naviswork
Để đảm bảo các bên có thể phối hợp xem xét, phản hồi thuận tiện, cần quy định các nền tảng sử dụng chung trong việc quản lý va chạm. Quản lý BIM có thể lựa chọn các giải pháp khác nhau để thực hiện việc quản lý va chạm, trong đó có thể chia thành 2 giải pháp chính như sau:
-
- Quản lý bằng các công cụ (phần mềm): các công cụ này sẽ tự động trích xuất các va chạm từ công cụ phối hợp mô hình, gửi thông báo đến các cá nhân/ tổ chức có trách nhiệm, cập nhật tình hình chỉnh sửa mô hình.
- Quản lý bằng bảng biểu: Các báo cáo về va chạm sẽ được Quản lý BIM cập nhật, gửi đến các cá nhân/ đơn vị có trách nhiệm và tổ chức các buổi họp phối hợp để thống nhất phương án giải quyết. Khi các điều chỉnh được thực hiện, các bên sẽ báo cáo với Quản lý BIM để cập nhật trạng thái của các va chạm này trong báo cáo. Báo cáo va chạm cần thể hiện các nội dung sau: vị trí, mô tả, loại va chạm…
Thiết lập ma trận va chạm
Trong quá trình phối hợp cần lập ma trận phối hợp mô hình trong Kế hoạch thực hiện BIM để xác định thứ tự ưu tiên khi kiểm tra và xử lý xung đột/ va chạm.
Ma trận này xác định các thành phần sẽ phối hợp với nhau, mức độ ưu tiên của các thành phần khi phối hợp. Tuy nhiên, yêu cầu phối hợp sẽ khác nhau trong từng giai đoạn. Ví dụ: trong giai đoạn thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật, có thể phối hợp mô hình dựa trên các mô hình bộ môn, tuy nhiên, ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công cần phối hợp dựa trên các đối tượng cụ thể.
Một số va chạm có thể phát hiện trong quá trình kiểm tra, tuy nhiên việc giải quyết các va chạm đó có thể không cần thiết xử lý trực tiếp trên mô hình (ví dụ: đèn led gắn trần không cần kiểm tra va chạm với ống gió hoặc cửa vì trong quá trình thi công có thể dễ dàng xử lý).
Hình ảnh minh hoa về ma trận va chạm
Các đối tượng không cần kiểm tra xử lý va chạm
Trong quá trình phát hiện và xử lý xung đột, một số cặp đối tượng không cần thực hiện xử lý va chạm. Các va chạm này có thể trực tiếp xử lý tại công trường mà không cần chỉnh sửa lại mô hình. Một số va chạm có thể bỏ qua như sau:
-
- Các đường ống có đường kính <50mm sẽ không được kiểm tra va chạm;
- Cốt thép sẽ không được kiểm tra va chạm;
- Miệng gió (Air Terminal) không cần kiểm tra va chạm với trần (Ceiling);
- Đèn âm trần (Recessed Lighting) không cần kiểm tra va chạm với trần (Ceiling);
- Thiết bị báo cháy (Fire Alarm Device) không cần kiểm tra va chạm với trần (Ceiling);
- Rãnh, lỗ thoát nước (Floor Drain / Channel & Trench Drain) không cần kiểm tra va chạm với sàn (Floor/Slab);
- Cột (kiến trúc/ kết cấu) không cần kiểm tra va chạm với sàn/ trần trong trường hợp đổ tại chỗ.
Thiết lập các nhóm va chạm
Trong quá trình thực hiện phối hợp đa bộ môn, Quản lý BIM cần thiết lập quy tắc với từng nhóm đối tượng. Các loại va chạm bao gồm:
-
- Va chạm cứng là khi hai vật thể có các bộ phận giao nhau trực tiếp (ví dụ các đường ống đâm xuyên qua dầm…). Các va chạm này thường sẽ rất tốn kém để khắc phục trên công trường nếu không được xử lý tốt trong giai đoạn thiết kế;
- Va chạm mềm là khi một đối tượng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đối tượng khác và sẽ gây ảnh hưởng đến việc sử dụng, bảo trì của các đối tượng (ví dụ:va chạm mở cửa và tường hoặc kết cấu; các hệ thống HVAC cần không gian để thực hiện bảo trì, nếu trong khi thiết kế các vùng không gian không đủ sẽ gây ảnh hưởng đến công tác bảo trì hệ thống);
- Va chạm 4D là xung đột liên quan đến quá trình xây dựng, khi các công việc không được lên kế hoạch thực hiện hợp lý, các đối tượng được xây dựng trước sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện đối tượng sau đó (ví dụ: bố trí không gian không hợp lý dẫn đến quá trình vận chuyển thiết bị vào vị trí lắp đặt không thực hiện được).
Việc phân chia loại va chạm để phục vụ cho việc thiết lập quy tắc (Rules) kiểm tra và tìm kiếm trong quá trình tìm kiếm tự động và quản lý va chạm bằng phần mềm.
Quy tắc đặt tên
Việc đặt tên góc nhìn, tên va chạm, báo cáo, ghi chú… tuân thủ yêu cầu về quy tắc đặt tên của chủ đầu tư hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).
Định dạng tập tin trong quá trình xử lý xung đột
-
- Mô hình phối hợp cần được định dạng theo hướng “chỉ đọc” nhằm cho các bên không phải là tác giả sẽ không thể điều chỉnh tập tin mô hình;
- Báo cáo va chạm, ghi chú, đánh dấu có thể được định dạng dưới hình thức 2D hoặc 3D hoặc kết hợp cả hai.
Kết luận
Trên đây là phần 2 toàn bộ hướng dẫn các bước áp dụng BIM cho công trình dân dụng ở khía cạnh phối hợp và xử lý xung đột. Để biết thêm chi tiết cũng như hướng dẫn cụ thể, bạn có thể truy cập tài liệu ở đây
DBIM là đơn vị tư vấn có kinh nghiệm dày dặn cũng như đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn sâu về quản lý dự án và tư vấn thiết kế. Chúng tôi tự hào cung cấp cho bạn và quý công ty các dịch vụ tư vấn thiết kế, tư vấn đào tạo BIM với tiêu chuẩn quốc tế, hiệu quả cao và chuyên nghiệp trên thị trường.
DBIM – Đơn vị tư vấn BIM chuyên nghiệp tại Hà Nội
SĐT: (+84) 948 812 966
Email: dbimvietnam@gmail.com
Website: www.dbim.vn